Hà Nội thông qua Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe đến năm 2030, tầm nhìn 2050

12:08 06/12/2018

Sáng 5/12, với 100% (96/96) đại biểu HĐND Thành phố tán thành, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh trình bày Tờ trình tại kỳ họp
Trình bày Tờ trình tại Kỳ họp, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh, cho biết, các bến xe hiện có nằm sâu trong phạm vi đô thị trung tâm tạm thời được giữ lại, tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có (gồm 4 bến: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm).

Trong giai đoạn trung hạn, xây dựng Bến xe khách Yên Sở, quận Hoàng Mai, diện tích khoảng 3,4 ha để hỗ trợ cho các bến xe hiện có. Về lâu dài, sau khi đầu tư hoàn thành Bến xe khách chính phía Nam (khu vực Ngọc Hồi - đường Vành đai 4) thì các Bến xe khách Yên Sở và Nước Ngầm sẽ được đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe (các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại 2 bến xe khách này sẽ được điều chuyển về Bến xe khách đầu mối tập trung phía Nam).

Về dài hạn, quy hoạch mới 7 bến xe khách liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm (gồm: Bến xe khách phía Bắc - 10ha; Bến xe khách Đông Anh - 5,3ha; Bến xe khách phía Đông Bắc (bến xe Cổ Bi) - 10,4ha; Bến xe khách phía Nam - 10 ha; Bến xe khách Yên Nghĩa - 7,0ha; Bến xe khách phía Tây - 05ha; Bến xe khách phía Tây Bắc (Phùng) - 15ha).

Tại các đô thị vệ tinh, quy hoạch các bến xe khách theo định hướng quy hoạch chung các đô thị vệ tinh đã được phê duyệt (gồm: Đô thị vệ tinh Phú Xuyên - 01 bến, 5ha; Đô thị vệ tinh Xuân Mai - 02 bến, 6ha; Đô thị vệ tinh Hòa Lạc - 03 bến, 15ha; Đô thị vệ tinh Sơn Tây - 04 bến, 10,65ha; Đô thị vệ tinh Sóc Sơn - 03 bến, 7,5ha).

Tại các thị trấn huyện lỵ, thị trấn sinh thái bố trí các bến xe khách quy mô từ 1 - 5ha đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Trong phạm vi đô thị trung tâm, quy hoạch 8 bến xe tải (gồm: Bến xe tải phía Bắc - 15ha; Bến xe tải phía Đông Bắc (Phủ Lỗ) - 10ha; Bến xe tải Yên Viên - Yên Thường - 20ha, có kết hợp với Trung tâm tiếp vận Đông Bắc 10ha, tạo thành 1 trung tâm vận tải hàng hóa quy mô 30ha; Bến xe tải phía Đông (Cổ Bi) - 10ha; Bến xe tải Khuyến Lương - 7ha; Bến xe tải phía Nam-10 ha; Bến xe tải phía Tây Nam (Hà Đông) - 10ha; Bến xe tải Phùng - 10ha.

Tại các đô thị vệ tinh quy hoạch 4 bến xe tải (gồm: Bến xe tải đô thị vệ tinh Phú Xuyên - 10ha; Bến xe tải đô thị vệ tinh Hòa Lạc - 10ha; Bến xe tải đô thị vệ tinh Sơn Tây - 3ha; Bến xe tải đô thị vệ tinh Sóc Sơn - 10ha).

Về quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe trong phạm vi đô thị trung tâm, quy hoạch 1.480 vị trí bãi đỗ xe công cộng tập trung với tổng quy mô diện tích 1.197,8ha. Trong đó có 74 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm, 450 bãi đỗ xe cao tầng, còn lại là các bãi đỗ xe mặt đất…

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân trình bày Báo cáo Thẩm tra tại kỳ họp
Trình bày Báo cáo Thẩm tra về Tờ trình Quy hoạch bến xe, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh, nội dung Đồ án quy hoạch đã kế thừa các nghiên cứu trước về quy hoạch bến, bãi đỗ xe của Thành phố. Đáp ứng yêu cầu bố trí đủ tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chuyên ngành có liên quan. Lộ trình thực hiện Quy hoạch phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ban Đô thị đề nghị UBND TP: Đối với 02 bến xe khách liên tỉnh (Bến xe liên tỉnh phía Bắc - bến xe Nội Bài; bến xe khách liên tỉnh Phùng) và 06 bến xe tải (Bến xe tải phía Bắc - bến xe Nội Bài; Bến xe tải phía Đông Bắc - bến xe Phủ Lỗ; Bến xe tải phía Đông Bắc - Bến xe Yên Viên; Bến xe tải Khuyến Lương; Bến xe tải phía Tây Nam - bến xe Hà Đông; bến xe tải Phùng), Quy hoạch đề xuất có quy mô diện tích sử dụng đất thay đổi lớn hơn khoảng 47,9ha so với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do vậy, UBND Thành phố cần rà soát, đánh giá rõ cơ sở thực tiễn, sự cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt Quy hoạch. 

Sau khi Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, UBND Thành phố thực hiện công bố, công khai Quy hoạch theo quy định; xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết hàng năm theo lộ trình đã xác định, gắn với khả năng cân đối nguồn lực ngân sách của Thành phố và các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện quy hoạch; tổ chức quản lý chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ đúng theo Quy hoạch đã phê duyệt.

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ đại biểu Sóc Sơn) đồng tình cao với Quy hoạch bến xe và cho rằng, đây là Quy hoạch được cả Thành phố và các cử tri mong đợi, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải của Thành phố. Các chỉ tiêu đề ra trong dự thảo Quy hoạch đã đáp ứng nhu cầu hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn, cụ thể hóa được Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của Thành phố. Đồng thời, đề xuất, Hà Nội cần nghiên cứu mở rộng quy hoạch các trung tâm tiếp vận để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài; cần tập trung những phương án để thu hút được đầu tư. Đại biểu cũng đề nghị UBND TP cần triển khai thực hiện tốt các nội dung Quy hoạch, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm quy định, đảm bảo không bị chậm tiến độ.

Nguồn: https://hanoi.gov.vn

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Tin liên quan